icon

Tiếng Việt

icon

Tiếng Việt

icon

Tiếng Anh

  • Facebook
  • Twitter
  • Youtube
  • Instagram
  • Tiktok

Tìm hiểu rõ hơn về IPS và IDS !

IPS và IDS là gì? Hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, chắc chắn không ai là không biết đến khái niệm này. Hệ thống IDS đã được ra đời và ứng dụng để giải quyết các vấn đề như ngăn chặn xâm nhập trái phép, ăn cắp dữ liệu… Với những cuộc tấn công, khai thác lỗ hổng an ninh mạng hiện nay, ứng dụng hệ thống IPS trong việc phát hiện và ngăn chặn những rủi ro trên mạng mang lại hiệu quả cực kỳ cao. Để biết rõ hơn về khái niệm, vai trò và khả năng ứng dụng của IPS, bạn đọc không thể bỏ lỡ bài viết ngay sau đây!

1. IPS là hệ thống gì?

IPS là viết tắt của Intrusion Prevention System - Hệ thống giúp phát hiện và ngăn chặn các hoạt động độc hại diễn ra trên hệ thống mạng. IPS được xem là phiên bản mở rộng, nâng cao của hệ thống phát hiện xâm nhập IDS và hoạt động thông qua việc giám sát lưu lượng mạng và hệ thống. 

Hiện nay các hệ thống IPS được đặt trực tiếp trên đường mạng (inline), qua đó IPS sở hữu khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công độc hại diễn ra trong thời gian thực.

2. Vai trò chính của IPS là gì?

IPS là một phần tử quan trọng đối với bất kỳ hệ thống bảo mật doanh nghiệp hiện nay. Việc sử dụng đa nền tảng đám mây trong doanh nghiệp hiện nay yêu cầu xử lý lưu lượng truy cập cực kỳ lớn. 

Vì vậy việc giám sát hay xử lý thủ công gần như là bất khả thi. Ngoài ra, các mối đe dọa mà hệ thống bảo mật doanh nghiệp hiện nay phải đối mặt ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Đó là lý do mà hệ thống IPS ra đời, đóng vai trò quan trọng trong việc phản ứng nhanh chóng, tự động đối với các mối đe dọa, cuộc tấn công trong hệ thống mạng.

Nếu phát hiện bất kỳ hành động độc hại hoặc lưu lượng truy cập đáng ngờ nào, hệ thống IPS sẽ tự động thực hiện một trong các hành động sau:

  • Chấm dứt phiên TCP đã bị khai thác và chặn hoàn toàn truy cập đối với địa chỉ IP nguồn vi phạm, tài khoản người dùng, máy chủ đích.
  • Thiết lập lại chương trình hoặc cấu hình lại tường lửa để ngăn chặn các cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
  • Xóa hoặc thay thế các nội dung độc hại còn sót lại trên mạng sau các cuộc tấn công. Quy trình thực hiện bao gồm xóa thông tin tiêu đề và xóa mọi tệp đính kèm bị nhiễm khỏi tệp hoặc máy chủ email.

3. Các loại IPS thông dụng hiện nay

Có một số loại hệ thống phòng chống xâm nhập (IPS) với các mục đích khác nhau: 

  • Hệ thống ngăn chặn xâm nhập mạng (NIPS) được cài đặt tại các điểm chiến lược để giám sát và phát hiện các mối đe dọa trong toàn bộ lưu lượng mạng. 
  • Hệ thống ngăn chặn xâm nhập máy chủ (HIPS) đã được cài đặt trên một điểm cuối hệ thống để xem xét lưu lượng truy cập vào và ra từ 1 máy chủ đó. Được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng khi cuộc tấn công đã lọt qua hệ thống NIPS. 
  • Hệ thống phân tích hành vi mạng (NBA) phân tích lưu lượng mạng để phát hiện các truy cập bất thường, xác định các mối đe dọa như tấn công từ chối dịch vụ phân tán, các dạng phần mềm độc hại bằng virus hay mã độc và vi phạm chính sách.
  • Hệ thống ngăn chặn xâm nhập không dây (WIPS): Hệ thống này đơn giản sẽ quét mạng Wifi để lọc ra truy cập trái phép và loại bỏ các thiết bị trái phép khỏi mạng.

4. Lợi ích đáng kể của hệ thống IPS là gì?

Hệ thống ngăn chặn xâm nhập IPS mang đến nhiều lợi ích lớn trong vấn đề an toàn mạng, bảo mật dữ liệu:

  • Hỗ trợ song song: Hệ thống IPS hoạt động song song với các giải pháp bảo mật khác. Kết hợp và hỗ trợ xác định các mối đe dọa, cuộc tấn công mà các giải pháp khác không thể phát hiện ra. Cung cấp khả năng bảo mật ứng dụng vượt trội nhờ mức độ nhận biết ứng dụng cao.
  • Tối ưu hiệu quả cho các biện pháp kiểm soát bảo mật khác: Trong quá trình hoạt động, hệ thống IPS sẽ lọc lưu lượng độc hại trước khi truyền dữ liệu đến các thiết bị và biện pháp kiểm soát bảo mật khác. Vì vậy IPS sẽ giảm thiểu tối đa khối lượng công việc mà các biện pháp kiểm soát phải đảm nhiệm, tối ưu thời gian, tài nguyên và hiệu quả xử lý. 
  • Tiết kiệm thời gian: Hệ thống IPS vận hành hoàn toàn tự động vì vậy giúp tối ưu nhân lực CNTT, giải tải khối lượng công việc thủ công thông thường.
  • Khả năng tùy chỉnh: Hệ thống IPS có thể thiết lập với các chính sách bảo mật, được tùy chỉnh phù hợp dành riêng cho từng doanh nghiệp sử dụng nó.
  • Bảo vệ chống lại các mối đe dọa đã biết và chưa biết: IPS có thể chặn các mối đe dọa đã biết, đồng thời phát hiện và chặn các mối đe dọa chưa biết chưa từng thấy trước đây.
  • Bảo vệ thời gian thực: IPS có thể phát hiện và ngăn chặn lưu lượng độc hại trong thời gian thực, ngăn chặn các cuộc tấn công và giảm thiểu bất kỳ thiệt hại nào.
  • Tăng cường khả năng hiển thị mạng: IPS cung cấp khả năng hiển thị mạng, cho phép bạn theo dõi những gì đang xảy ra trong mạng của mình và xác định các rủi ro bảo mật tiềm ẩn.

5. Hệ thống IPS hoạt động ra sao?

5.1 Hệ thống phát hiện và ngăn chặn dựa trên dấu hiệu

Thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công, mối nguy hiểm tiềm năng bằng cách phân tích, đối chiếu dữ liệu nhật ký lưu lượng mạng với các mẫu tấn công hiện có. Hệ thống sẽ thực hiện hành động cần thiết nếu phát hiện ra bất kỳ hành động xâm nhập nào khớp với các dấu hiệu đã được lưu trong cơ sở dữ liệu.

5.2 Hệ thống phát hiện và ngăn chặn dựa trên sự bất thường

Được thiết kế để xác định chính xác các cuộc tấn công không xác định, các phần mềm độc hại mới. Lợi ích chính của tính năng nhận biết bất thường là những báo động tạo ra không dựa trên những tín hiệu của những dạng tấn công cụ thể mà dựa trên những hành động bất thường của nó. 

Vì vậy mà hệ thống có thể phát hiện dễ dàng được sự tấn công trước cả khi nó xảy ra.

 

6. IDS là hệ thống gì?

IDS là hệ thống gì? Đối với những người trong nghề thì khái niệm này không còn xa lạ. Tuy nhiên với những doanh nghiệp mới bắt đầu xây dựng 1 quy trình bảo mật dữ liệu thì IDS là 1 khái niệm rất quan trọng. 

Là viết tắt của hệ thống phát hiện xâm nhập (Intrusion Detection System) - IDS là một công cụ hỗ trợ bảo mật hệ thống và cảnh báo khi có xâm nhập. Thường được tích hợp vào các hệ thống bảo mật khác, IDS giúp bảo vệ thông tin hệ thống, giúp phát hiện và cảnh báo xâm nhập.

7. Vai trò quan trọng của hệ thống IDS là gì?

Sau khi hiểu được IDS là hệ thống gì? chắc hẳn bạn đọc sẽ cần nắm rõ vai trò hay nhiệm vụ chính của IDS đối với các hệ thống mạng hiện nay.

IDS có những tính năng quan trọng đáng kể đến như:

  • Giám sát lưu lượng mạng và các hoạt động đáng ngờ.
  • Cảnh báo về các điểm bất thường cho hệ thống và quản trị mạng.
  • Tích hợp với các thiết bị tường lửa và phần mềm diệt virus để tạo ra một hệ thống bảo mật toàn diện.

8. Chức năng chính của IDS là gì?

Hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) là một công cụ quan trọng để tăng cường bảo mật cho mạng và dữ liệu mạng. Chức năng chính của IDS là gì đã được chúng tôi tóm tắt để bạn đọc dễ hình dung:

  • Hệ thống IDS giúp giám sát lưu lượng mạng đáng ngờ và thông báo cho người quản trị mạng. Với tình trạng diễn ra các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tinh vi và thường xuyên, vai trò của hệ thống phát hiện xâm nhập toàn diện và hiệu quả là cực kỳ quan trọng. 
  • IDS giúp tổ chức dữ liệu mạng quan trọng và xếp loại hoạt động nào quan trọng hơn. Nó cũng giúp tiết kiệm thời gian, giảm công sức thủ công và giảm thiểu lỗi của con người khi phát hiện xâm nhập. 
  • IDS giúp phát hiện, sắp xếp và cảnh báo chuyên sâu về lưu lượng mạng vào/ ra. Qua đó giúp người dùng tiết kiệm thời gian, tối ưu tốt khối lượng công việc thủ công và giảm thiểu sai sót  trong việc phát hiện xâm nhập khi phân tích thông tin quan trọng trong hàng nghìn nhật ký hệ thống.
  • IDS có thể lọc qua luồng lưu lượng để phát hiện và ngăn chặn xâm nhập, cải thiện hiệu suất mạng tổng thể và chống lại các hoạt động độc hại. Việc ứng dụng hệ thống IDS giúp tối ưu hóa việc phát hiện và ngăn chặn xâm nhập giúp người dùng tiết kiệm được thời gian, năng lượng và tài nguyên.

Có thể nói hệ thống IDS càng nắm bắt và hiểu được các hoạt động độc hại trên mạng của bạn, thì khả năng thích ứng với các cuộc tấn công ngày càng tinh vi sẽ cao hơn.

9. Cách thức hoạt động của 1 hệ thống IDS tiêu chuẩn

Sau khi thu thập dữ liệu, hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) được thiết kế để phân tích lưu lượng mạng và so sánh với các mẫu lưu lượng đã biết về các cuộc tấn công. Phương pháp này, còn được gọi là tương quan mẫu (Pattern Correlation).

Khi hoạt động đáng ngờ hoặc tấn công độc hại được phát hiện, hệ thống IDS sẽ gửi báo động đến bộ phận quản trị CNTT để xác định nguồn gốc vấn đề và giải quyết ngăn chặn cuộc tấn công.

Các hệ thống IDS hiện nay chủ yếu sử dụng 2 phương pháp chính: Phát hiện xâm nhập dựa trên chữ ký và phát hiện xâm nhập dựa trên sự bất thường:

9.1 Hệ thống phát hiện xâm nhập dựa trên dấu hiệu (signature-based intrusion detection)

Được thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công có thể xảy ra bằng cách so sánh, đối chiếu dữ liệu nhật ký lưu lượng mạng với các mẫu tấn công hiện có. Nếu đặc tính của hành động truy cập khớp với cơ sở dữ liệu, ngay lập tức hệ thống IDS sẽ cảnh bảo tới nhân viên quản trị CNTT.

9.2 Hệ thống phát hiện xâm nhập dựa trên sự bất thường (Anomaly-based intrusion detection)

Được thiết kế để xác định chính xác các cuộc tấn công không xác định, các phần mềm độc hại mới. IDS sử dụng các mô hình tin cậy để tạo ra các đường cơ sở cho hoạt động đáng tin cậy và so sánh với hành vi mới để phát hiện các hoạt động độc hại. 

Tuy nhiên, cảnh báo giả có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp này, do lưu lượng mạng hợp pháp chưa được xác định trước đó có thể bị xác định sai hoặc gắn mác độc hại.

9.3 Hệ thống phát hiện xâm nhập toàn diện (Hybrid intrusion detection systems)

Hệ thống phát hiện xâm nhập toàn diện bao gồm cả 2 phương pháp phát hiện xâm nhập dựa trên chữ ký và dựa trên sự bất thường. Qua đó tăng cường khả năng ngăn chặn xâm nhập hệ thống, giúp phát hiện được nhiều mối đe dọa hơn. 

Một hệ thống phát hiện xâm nhập toàn diện có thể nhận biết được các kỹ thuật chuyên sâu mà kẻ tấn công thường sử dụng để đánh lừa hệ thống, hợp pháp hóa các cuộc tấn công.

 

Bài viết liên quan